Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Sự kết nối chặt chẽ giữa cảng khẩu và cuộc sống Nét phong nhã xưa và nay của quận Diêm Trình, Cao Hùng
2024-04-15

Diêm Trình là nơi buôn bán kinh doanh, những món ăn vặt dân dã là thứ không thể thiếu trong chợ. Trong ảnh là món miến cá măng sữa trong chợ Dagouding, phần da cá bọc lấy chả cá, là một món ăn sáng và trưa đáng để thưởng thức của địa phương.

Diêm Trình là nơi buôn bán kinh doanh, những món ăn vặt dân dã là thứ không thể thiếu trong chợ. Trong ảnh là món miến cá măng sữa trong chợ Dagouding, phần da cá bọc lấy chả cá, là một món ăn sáng và trưa đáng để thưởng thức của địa phương.
 

 Diêm Trình (Yancheng), từ một bãi phơi muối của địa phương, qua quy hoạch đô thị của chính quyền quân Nhật trong thời chiến, đã trở thành “Sakariba” (khu vực phát triển thịnh vượng nhất) số một tại Cao Hùng. Sau khi chiến tranh kết thúc, nơi đây lại trở thành địa điểm giao thương hàng hóa nhập khẩu và tiếp xúc văn hóa Mỹ. Sự phát triển của Diêm Trình có nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng tất cả đều là có liên quan đến cảng Cao Hùng.

 

 Vừa gặp mặt ông Lý Văn Hoàn (Lee Wen-huan) – tác giả của hai quyển sách kể về khu vực lịch sử ở cảng Cao Hùng là Hamaxing và Diêm Trình, đã chỉ ra rằng: “Hai khu đường phố chủ yếu của thành phố Cao Hùng: Hamaxing và Diêm Trình là do chính phủ Nhật Bản tạo dựng nên; cơ sở nền tảng của Cao Hùng ngày nay cũng là được xây dựng từ thời quân Nhật chiếm đóng”.
 

Bảo tàng Lịch sử thành phố Cao Hùng, nơi sưu tầm, cất giữ những dấu tích phát triển của Cao Hùng; trước đây từng là tòa thị chính Cao Hùng, tọa lạc tại khu Diêm Trình.

Bảo tàng Lịch sử thành phố Cao Hùng, nơi sưu tầm, cất giữ những dấu tích phát triển của Cao Hùng; trước đây từng là tòa thị chính Cao Hùng, tọa lạc tại khu Diêm Trình.
 

Khu đường phố do người Nhật tạo dựng nên

 Tên gọi cũ của cảng Cao Hùng là “Cảng Takao”, cảng này được mở và chính thức bước lên vũ đài quốc tế từ sau thỏa thuận trong Hiệp ước Thiên Tân (năm 1858). Sau chiến tranh Nhật – Thanh, Đài Loan trở thành thuộc địa của Nhật Bản. Theo đó, xây dựng hệ thống đường sắt và cảng khẩu đã trở thành những sự lựa chọn hàng đầu khi cân nhắc mô hình giao thông cần thiết cho việc vận chuyển những tài nguyên quan trọng đi Nhật Bản. Họ cho xây dựng tuyến đường sắt bờ Tây xuất phát từ phía Bắc và nối dài đến tận cảng Takao (nay là “Bảo tàng Đường sắt Takao”), đồng thời đã thông cảng khẩu, lấy đất cát ở đó để lấp biển và tạo ra khu vực Hamaxing như ngày hôm nay. Ông Lý Văn Hoàn thuật lại lịch sử phát triển của Cao Hùng rằng: “Cảng Takao thông xe vào năm 1900, công trình lấp biển hoàn công giai đoạn đầu vào năm 1905, sau đó thương mại ở cảng này tăng trưởng ổn định, đến năm 1907 thì mậu dịch tại cảng Takao đã vượt hơn cảng An Bình”.

 Lợi nhuận mà cảng khẩu mang lại đã giúp cho Phủ Tổng đốc có thể nhanh chóng triển khai giai đoạn hai của kế hoạch xây cảng (1908 – 1945), và khu Diêm Trình chính là lựa chọn đầu tiên, sự xuất hiện của bến tàu, nhà kho và phố xá mới đã biến Diêm Trình thành một khu vực thương mại kiểu mới.

 Ông Lý Văn Hoàn bảo chúng tôi hãy mường tượng về ngày xưa khi những tàu thuyền cập bến đều là tàu chở hàng rời, những mặt hàng xuất khẩu như đường, lúa gạo đều chỉ đựng trong bao bố rồi được vận chuyển lên xuống bởi những người công nhân tại bến tàu, nhu cầu nhân lực lớn mang lại nhiều cơ hội việc làm, thu hút đông đảo người di cư đến đây sinh sống.

 Còn về thuyền viên, ông Lý Văn Hoàn dẫn chứng số liệu rằng, khi công trình xây dựng cảng Cao Hùng hoàn thành giai đoạn một vào năm 1912, mỗi năm có ít nhất là 150 tàu thuyền ra vào khu cảng này, trên mỗi tàu có khoảng từ 40 đến 50 thuyền viên. Đến sau năm 1920, mỗi năm có ít nhất là hơn 600 tàu thuyền ra vào cảng, số lượng thuyền viên cũng tăng lên ít nhất là hơn chục nghìn người, là nguồn nhân lực chủ yếu trong việc phát triển cảng khẩu. Ông Lý Văn Hoàn bổ sung thêm, đừng xem nhẹ sức mua của những thuyền viên và lao động khuân vác tại cảng khẩu, bởi với mức lương cao, họ cũng đã trở thành tác nhân chủ yếu thúc đẩy sự phát triển thương mại giai đoạn đầu tại khu Diêm Trình.

 

Thời đại của Sakariba

 Các nhà sử học trước đây thường nhìn nhận lịch sử của một địa phương thông qua góc độ “sản xuất” nhưng ông Lý Văn Hoàn cho rằng, với Diêm Trình, quan sát từ góc độ “tiêu dùng” sẽ thích hợp hơn. Ông trích dẫn luận điểm của học giả người Nhật Bản Kazuteru Okiura về “Sakariba” rằng: “Sakariba là sự kết hợp của các ngành nghề đặc thù, ngành dịch vụ, ngành kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng…, là khu thương mại cung cấp các dịch vụ và giải trí”.

 Từ sử liệu, ông Lý Văn Hoàn phân tích diện mạo của Sakariba Diêm Trình từ nhiều phương diện như ẩm thực hiện đại hóa, giải trí đa dạng, trung tâm mua sắm hoa lệ… Sự phát triển của cảng khẩu kéo theo sự tăng trưởng về dân số, thúc đẩy sự hình thành một khu chợ công lập kiểu mới; sự xuất hiện của những con phố ăn uống thể hiện văn hóa ăn hàng quán và ăn uống giải trí; ngoài ra còn có những quán rượu, nhà hàng chú trọng không gian biểu diễn rộng lớn và náo nhiệt, biến việc ăn uống không chỉ là để no bụng, mà còn là một hoạt động văn hóa.

 Cà phê cũng bắt đầu xuất hiện trong nhịp sống của Cao Hùng từ những năm 1930, rất nhiều quán cà phê đều tập trung ở khu Diêm Trình, giai đoạn đỉnh điểm nhất là có đến 21 cửa hàng. Vào thời quân Nhật chiếm đóng Đài Loan, khu Diêm Trình có bốn rạp chiếu bao gồm Takao, Kinshi, ¬Entei và Showa, ngành giải trí phim ảnh đã kéo theo sức mua trong mặt ăn uống và văn hóa trào lưu. Diêm Trình còn có một tòa kiến trúc được đặt tên là Takao Ginza (Ginza Cao Hùng, nay là chợ Quốc tế “International Market”), đây là một khu thương mại khiến cho người ta phải hoa mắt, mê mẩn. Còn trung tâm thương mại đầu tiên của Cao Hùng thì là Yoshii – bắt đầu kinh doanh từ năm 1938, nơi đây cùng với hai trung tâm thương mại khác là Kikumoto ở Đài Bắc và Hayashi ở Đài Nam được gọi là ba trung tâm thương mại lớn nhất Đài Loan dưới thời quân Nhật chiếm đóng, đây cũng là thời kỳ mà tiêu dùng tại khu Diêm Trình đạt đến đỉnh cao nhất.
 

Ông Khưu Thừa Hán cải tạo cửa hàng cũ của bà ngoại thành studio “3080s Local Style”, giữ lại nét lịch sử và dấu tích của không gian, nhưng cũng đồng thời tạo ra chức năng và ý nghĩa trong thời đại mới.

Ông Khưu Thừa Hán cải tạo cửa hàng cũ của bà ngoại thành studio “3080s Local Style”, giữ lại nét lịch sử và dấu tích của không gian, nhưng cũng đồng thời tạo ra chức năng và ý nghĩa trong thời đại mới.
 

Đủ thứ kỳ lạ trong cửa hàng đồ cổ ngành phá dỡ tàu

 Ngành phá dỡ tàu là một khúc đệm trong lịch sử phát triển của Diêm Trình. Sau Thế chiến II, nhiều nơi tại cảng Cao Hùng đều xuất hiện tàu thuyền bị chìm, chính quyền khi đó đã cho phép người dân được tự trục vớt và tháo dỡ tàu thuyền để bán lấy tiền, tàu thuyền sau khi bị tháo dỡ sẽ được bán cho những người mua có nhu cầu khác nhau và đây cũng là sự khởi đầu cho ngành tháo dỡ tàu thuyền tại Cao Hùng. Sau này, thấy được lợi nhuận từ việc tháo dỡ tàu thuyền, nhiều nhà kinh doanh cũng nhập khẩu tàu thuyền hỏng hóc từ nước ngoài về để tháo dỡ, từ đó ngành tháo dỡ tàu thuyền tại Cao Hùng bắt đầu bước vào giai đoạn phồn vinh suốt hơn 20 năm.

 Chúng tôi đến thăm ông Huỳnh Đạo Minh (Huang Tao-ming), nhà sưu tầm, đồng thời là chủ cửa hàng chuyên kinh doanh đồ cổ ngành hàng hải ở bên bờ sông Tình Yêu (Love River). Ông Huỳnh Đạo Minh cho biết “Tôi đã làm việc trong ngành này hơn 50 năm”, trong bộ sưu tập của ông, món đồ hiếm có nhất chính là đồng hồ thiên văn và kính lục phân. Ông lấy ra từ trong hộp gỗ một chiếc đồng hồ thiên văn năm 1898, “ngày xưa không có GPS, khi tàu thuyền xuất cảng thì phải dùng đến đồng hồ thiên văn và kính lục phân để điều chỉnh xem tuyến đường hàng hải có bị lệch hay không”.

 Ngoài những công cụ dẫn đường chuyên nghiệp dùng trên tàu thuyền, ông Huỳnh Đạo Minh còn điểm qua những món đồ quý giá khác trong bộ sưu tập của mình: “Đây là mũ lặn biển mà người Nhật để lại, hộp la bàn, còi báo hiệu cho tàu đi trong sương mù do các nước sản xuất, đèn pha rọi, khẩu lệnh máy…”

 

Khu phố kể lại câu chuyện của cảng khẩu

 Những năm 1950, Hoa Kỳ hỗ trợ phòng thủ cho Đài Loan, chiến hạm của quân Mỹ neo đậu tại cảng Cao Hùng, và Diêm Trình cũng trở thành nơi vui chơi của các sĩ quan quân đội Mỹ trong ngày nghỉ. Con đường Qixian 3 (七賢三路) nối thẳng từ cảng khẩu đến bên trong khu Diêm Trình được gọi là “phố quán bar”, xung quanh là những quán ăn, cửa hàng quần áo, nơi vui chơi giải trí.

 Tình hình kinh tế - chính trị trên đảo khi đó đang trong giai đoạn đặc thù, chính phủ thực thi kiểm soát chặt chẽ đối với ngoại hối, áp đặt thuế quan cao đối với các mặt hàng nhập khẩu, tuy nhiên những biện pháp này vẫn không thể ngăn cản người và hàng hóa có ý muốn lưu thông. Do khu Diêm Trình ở gần cảng khẩu, các thuyền viên thường lén mang theo những món đồ của nước ngoài để nhập cảnh và bán lại, vì thế nếu muốn tìm những món đồ “ngoại” thịnh hành nhất, đương nhiên phải đến tìm tại Diêm Trình.

 Ông Khưu Thừa Hán (Chiu Cheng-han), người quay về quê hương vào năm 2011 và sáng lập cửa hàng “3080s Local Style”, đã đi thăm và phỏng vấn nhiều hàng xóm xung quanh, sau khi nghiên cứu thực địa, ông phát hiện ra nét thú vị của khu thương mại Diêm Trình.

 Ví dụ như phố Xinle, nơi nổi tiếng là con phố có nhiều cửa hàng vàng, bạc, trang sức. Tại sao những cửa hàng này lại tập trung kinh doanh ở gần cảng khẩu như vậy? Câu trả lời mà ông Khưu Thừa Hán tìm được là, “Bởi vì nơi đây ở gần cảng khẩu, là nơi được trao đổi thông tin nhiều nhất”, trong thời đại thông tin khép kín, mỗi ngày tại cảng khẩu đều có tàu thuyền đi lại giữa Đài Loan và Hong Kong, nhờ vậy có thể biết được thông tin mới nhất về ngoại hối quốc tế hay giá vàng… Ông Lý Văn Hoàn thì cho biết, đây là nơi mà năm xưa các thuyền viên đổi tiền ngoại tệ trước khi xuất cảng để tiện cho việc mua hàng từ nơi khác trong chuyến tàu về của mình.

 Năm xưa, bà ngoại của ông Khưu Thừa Hán đã đi Nhật Bản học làm tóc và thiết kế trang phục cưới cho cô dâu, sau khi quay về Đài Loan, bà đã mở một cửa hàng làm đẹp tên Zheng-Mei trên đường Wufu 4. Ban đầu cửa hàng này chủ yếu cung cấp dịch vụ làm đẹp, giai đoạn đầu còn trụ được nhờ vào bar girl. Sau này việc kinh doanh chủ yếu phụ thuộc vào bán các loại áo cưới kiểu Tây, do ngay đối diện Zheng-Mei là khu thương mại Kuchan, một trung tâm thời trang thịnh hành của miền nam Đài Loan khi đó, cho nên khi các cặp đôi đến mua sắm chuẩn bị cho lễ cưới, họ đều sẽ đến phố Xinle để mua trang sức vàng và tráp cưới hỏi, nhiều người đều bị những bộ áo cưới tinh tế trong cửa hàng Zheng-Mei thu hút, cửa hàng cũng trở nên nổi tiếng hơn và có thêm nhiều khách hàng từ nơi khác đặc biệt đến đây để thuê áo cưới.

 Ông Khưu Thừa Hán nói, “Bạn sẽ phát hiện ra rằng những cửa hàng tại đây giống như là “lý thuyết về 6 mức độ tách biệt trong mối quan hệ giữa người với người”, bất luận có tác động như thế nào thì cũng đều có liên quan đến khu vực cảng khẩu”.
 

Lý do mà ông Khưu Thừa Hán trở về quê hương chỉ đơn thuần là vì lo lắng rằng “Diêm Trình mà mình yêu thích khi còn nhỏ dường như đang dần biến mất”.

Lý do mà ông Khưu Thừa Hán trở về quê hương chỉ đơn thuần là vì lo lắng rằng “Diêm Trình mà mình yêu thích khi còn nhỏ dường như đang dần biến mất”.
 

Trở thành thành phố đại dương

 Cảm giác cuộc sống tại cảng khẩu chính là cái mà ông Khưu Thừa Hán quyến luyến nhất. Khi chia sẻ về lý do quay về quê hương, ông cho biết “ban đầu chỉ đơn thuần là vì cảm thấy hình như Diêm Trình mà tôi yêu thích khi còn nhỏ dường như đang dần biến mất”.

 Cửa hàng của bà ngoại ông trở thành cửa hàng trống không do chuyển sang kinh doanh xuất khẩu từ thập niên 90. Ông Khưu Thừa Hán đã cho sửa sang lại, ngoài giữ lại dấu tích lịch sử của không gian vốn có, ông còn đặc biệt dùng niên đại mà mình và bà ngoại sinh ra để đặt tên cho cửa hàng mới là “3080s Apartment” (sau này được sửa sang lại thành studio và đổi tên là “3080s Local Style”), tượng trưng cho sự kế thừa qua từng thế hệ.

 Sau khi trở về quê nhà, ông Khưu Thừa Hán cũng phát hiện ra sự mất cân bằng tại Diêm Trình, mọi người đều nghĩ rằng cái mới sẽ tốt hơn cái cũ, những thứ cũ luôn biến mất. Ngoài ra, lượng lớn tài nguyên được đổ dồn vào phát triển khu Trung tâm nghệ thuật Bo’er cũng khiến cho khu phố cổ náo nhiệt ngày nào trở nên ít người biết đến hơn.

 Vì thế ông đã nảy ra ý tưởng cải tạo “Chợ bán lẻ công cộng số 1 Diêm Trình”, tạo ra chức năng và ý nghĩa trong thời đại mới cho những không gian cũ. Trước tiên, ông thuê một sạp bán hàng trong chợ và mở cửa hàng trao đổi đồ cũ tên “3080s Market Stall”, trở thành một thành viên của chợ, rồi bắt đầu giao lưu ý tưởng với những chủ sạp vốn có trong chợ, sau đó thành lập đội ngũ để thuê những sạp khác, chiêu mộ các chủ sạp thuộc lứa thanh niên đến kinh doanh. Bây giờ trong ngôi chợ truyền thống này, bên cạnh sạp bán thịt heo là một quán kinh doanh ẩm thực sáng tạo mới, trong chợ có bán món chả cá chiên, người mua có thể đến ngồi xuống nhâm nhi một ly thức uống, thỏa sức ăn một chiếc bánh burritos kiểu Tây, một ngôi chợ mà thanh niên và người lớn tuổi cùng kinh doanh làm ăn, thu hút thêm nhiều người thuộc thế hệ trẻ đến với chợ truyền thống.

 Năm 2020, ông Khưu Thừa Hán cũng tìm thấy một không gian thích hợp để kinh doanh nhà trọ trong Takao Ginza và phát triển thành một điểm đến phức hợp tên House of Takao Ginza, qua đó thử nghiệm thêm nhiều khả năng phát triển mới cho không gian xưa cũ. Dưới sức ảnh hưởng của đội ngũ 3080s, khu Diêm Trình nay đã không còn kiên quyết với con đường tháo dỡ các kiến trúc cũ, mà thay vào đó là càng lúc càng nhiều người đến để phát huy sự sáng tạo đổi mới ngay từ bên trong những kiến trúc xưa, càng lúc càng nhiều người bằng lòng đến với khu thương mại cổ và làm quen với không khí giao thoa giữa cũ và mới tại nơi đây.

 Những câu chuyện này có khiến bạn cảm thấy hiếu kỳ về Diêm Trình không? Nếu có, bạn có thể ngồi tàu điện hạng nhẹ đến Trung tâm Âm nhạc thịnh hành của Cao Hùng (Kaohsiung Music Center), rồi đi bộ từ Trung tâm nghệ thuật Bo’er đến khu phố cổ; hoặc ngồi phà để nhìn ngắm cảng Cao Hùng từ trên biển, sau đó đi dạo đến khu vực ven cảng, khi đó bạn sẽ có thể cảm nhận được mối liên kết chặt chẽ giữa cảng khẩu và cuộc sống nơi đây.

 

Xem thêm

Sự kết nối chặt chẽ giữa cảng khẩu và cuộc sống Nét phong nhã xưa và nay của quận Diêm Trình, Cao Hùng

 

Video